Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, ông Võ Đức Trong đã xác nhận thông tin trên. Theo ước tính của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay người dân đã chặt bỏ thêm hơn 1.000 ha cao su bán cho thương lái làm củi hoặc cưa, xẻ gỗ làm bao bì.
Diện tích cao su bị "thanh lý" thường là những vườn cây đã già cỗi, cho mủ ít, sản phẩm khai thác không đủ để trang trải chi phí. Nhiều vườn cây non hoặc mới đưa vào khai thác nhưng diện tích ít, chỉ vài ha, nếu duy trì sẽ kém hiệu quả nên người dân cũng chặt bỏ để chuyển sang trồng sắn, mía hoặc cây hoa màu khác.
Trước đây, giá mủ cao su cao ngất ngưởng (có thời điểm lên đến 90.000 đồng/kg mủ khô) thì diện tích trồng cao su trong tỉnh lên khoảng 95.000 ha. Ba năm trở lại đây, do giá mủ liên tục giảm nên diện tích loại cây trồng này cũng đã giảm khoảng trên 5.000 ha, do nông dân chặt bỏ để chuyển sang các loại cây trồng khác.
Tuy nhiên, theo ông Võ Đức Trong, ngay cả bộ phận nông dân trước đây chặt bỏ cao su để lấy đất chuyển đổi sang trồng sắn, rau màu nhưng cũng không đạt hiệu quả do giá bán các loại cây trồng này hiện cũng cho thu nhập rất thấp.
Riêng cây sắn, do người dân trong tỉnh trồng tập trung quá nhiều (hiện có khoảng 60.000 ha/năm) và được trồng liên tục trên một vùng đất nên phát sinh nhiều bệnh, như bệnh mối ăn củ, thối củ. Hiện tỉnh chưa có giải pháp phòng trừ hiệu quả, cộng với giá bán thấp nên người dân rất lúng túng khi lựa chọn cây trồng khi chuyển đổi.
Để tháo gỡ vướng mắc này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả thị trường mà tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng một số loại cây trồng thế mạnh của địa phương như mía, sắn, cao su... để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, đủ sức cạnh tranh.
Tỉnh Tây Ninh đang khuyến khích người dân mở rộng mô hình hợp tác, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng; mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch... để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập.